TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN
1. TÀI NGUYÊN ĐẤT
Theo phương pháp phân loại đất của FAO - UNESCO, tài nguyên đất của xã Tân Bình được chia thành 06 nhóm đất chính với 09 loại đất, cụ thể như sau:
- Nhóm đất cát (Arenosols): đây là nhóm đất lớn nhất, được phân thành các loại như sau:
+ Đất cồn cát vàng (Cv): Đất có đặc tính chua, mùn rất nghèo, hàm lượng dinh dưỡng ở tầng đất mặt thấp, khả năng giữ mùn, nước kém.
+ Đất cồn cát đỏ (Cd): Đất có thành phần cơ giới đều từ tầng trên xuống dưới, phản ứng chua, mùn nghèo, độ phân giải hữu cơ mạnh, hàm lượng các chất dinh dưỡng thấp.
+ Đất cát biển (C): Đất có đặc tính kiềm, mùn nghèo, hàm lượng dinh dưỡng thấp.
- Nhóm đất mặn (Salic Fluvisols): Đất mặn ít và trung bình, có thành phần cơ giới nặng, đặc tính mặn chua, hàm lượng mùn trung bình, hàm lượng dinh dưỡng nghèo, ít có khả năng sản xuất nông nghiệp, chủ yếu để trồng rừng ngập mặn và nuôi thủy sản nước lợ, làm muối,…
- Nhóm đất phù sa (Fluvisols): được phân thành các loại như sau:
+ Đất phù sa có tầng loang lổ (Pf): Đất có hàm lượng mùn, đạm tổng số từ nghèo đến trung bình, lân và kali tổng số nghèo. Do phân bố ở địa hình cao, dễ thoát nước nên thích hợp với khá nhiều loại cây trồng như lúa nước, hoa màu và các loại cây công nghiệp ngắn ngày.
+ Đất phù sa ngòi suối (Py): Đất có thành phần cơ giới thay đổi theo đặc điểm bồi đắp của từng dòng suối, nhưng nhìn chung có thành phần cơ giới nhẹ (cát pha, thịt nhẹ đến thịt trung bình), tỷ lệ sét biến động rộng từ 25 - 45%. Phản ứng của đất chua đến rất chua. Hàm lượng mùn, đạm, lân, kali mức trung bình khá. Loại đất này thích hợp cho trồng hoa màu như bắp, khoai, đậu đỗ,…
- Nhóm đất xám (Acrísols): Xã Tân Bình có đất xám trên phù sa cổ (X), có thành phần cơ giới từ nhẹ đến trung bình, độ giữ nước và hấp thụ catrion thấp, đất thường chua, nghèo mùn, độ phì thấp, hàm lượng đạm và lân tổng số nghèo.
- Nhóm đất đỏ vàng (Ferralsols): Chủ yếu là đất đỏ vàng trên đá granit (Fa). Đây là loại đất có thành phần cơ giới thịt nhẹ là chủ yếu, tầng đất từ trung bình đến mỏng, đất ít chua, hàm lượng dinh dưỡng thấp, đạm và lân tổng số đều nghèo.
- Nhóm đất xói mòn trơ sỏi đá (Leptosols): Đây là loại đất hạn chế về tầng dày và độ dốc nên chỉ có thể sử dụng vào việc khai thác làm vật liệu xây dựng và trồng rừng.
Nhìn chung, xã Tân Bình có sự phong phú về chủng loại đất nên có thể đa dạng hóa các loại hình sử dụng theo hướng đa dạng sinh học với thế mạnh là các loại cây rừng, cây công nghiệp, cây ăn quả, ... Tuy nhiên, phần lớn các loại đất đều nghèo dinh dưỡng, một số nơi bị xói mòn, rửa trôi nghiêm trọng, … làm suy giảm chất lượng đất. Vì vậy, để khai thác tốt tài nguyên đất đòi hỏi cần phải có sự đầu tư lớn, đặc biệt là các công trình thủy lợi có khả năng cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp trong những tháng cao điểm mùa khô; bên cạnh đó cần bố trí cây trồng, vật nuôi hợp lý, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương.
2. TÀI NGUYÊN BIỂN
Xã Tân Bình có chiều dài bờ biển khoảng 05 km, nằm trong vùng ngư trường rộng thuộc khu vực Phan Thiết, Phú Quý, Côn Sơn có nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao như cá ngừ, cá thu, cá cơm, mực, tôm, sò điệp, sò trắng, ruốc,… Trong những năm gần đây, ngư dân đã tích cực đầu tư tàu thuyền công suất lớn, phương tiện đánh bắt hiện đại nên sản lượng khai thác hàng năm đều tăng. Bên cạnh đó, việc chế biến các sản phẩm từ cá cũng được quan tâm đầu tư, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm của địa phương, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn hướng tới các thị trường nước ngoài.
3. TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN VÀ VẬT LIỆU XÂY DỰNG
Tài nguyên khoáng sản trên địa bàn xã Tân Bình gồm có các loại sau:
- Sa khoáng Ilmenit – Zircon;
- Đá xây dựng;
- Cát, sỏi bồi nền.
Hiện tại mới chỉ có nguồn sa khoáng Ilmenit - Zircon đang được khai thác tập trung trên địa bàn xã Tân Bình; cát bồi nền và cát sỏi lòng sông suối mới chỉ khai thác một phần đáp ứng nhu cầu san lấp mặt bằng, xây dựng dân dụng và các công trình công cộng tại địa phương.